Tầm nhìn chúng tôi
TP HCM là cổng kinh tế. Giá nhà đất tại đây sẽ ngày càng đắt theo đà tăng trưởng quốc gia. Tuy nhiên, giá tăng không đồng đều mọi nơi. Giá nhà đất sẽ tăng mạnh ở khu trung tâm, nơi mật độ hoạt động thương mại đậm đặc nhất trong khi nguồn cung khan hiếm. Đất trung tâm giá trị cao cần được ưu tiên cho các lợi ích kinh tế, thu hút nguồn lực về cho Thành phố. Các nguồn đất với giá trị thương mại thấp hơn sẽ dành giải quyết các vấn đề xã hội. Đó mới là cách phân bổ tài nguyên hợp lý.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ Thiêm được gọi là "đất vàng". Không như các khu khác, nơi nhà phát triển bất động sản phải đầu tư nhiều vào hạ tầng để chuyển đổi công năng và bổ sung giá trị cho khu đất, miếng đất vừa đấu giá ở Thủ Thiêm được coi là đất sạch - món hàng đã hình thành đầy đủ giá trị, chỉ chờ khai thác.
Khi các dòng vốn lớn đổ về TP HCM để tìm kiếm những khu "đất vàng", sẽ không còn nữa nếu Thành phố bán hết với giá rẻ và băm nát đô thị bởi các công trình mang lại giá trị kinh tế thấp. Diện tích "đất vàng" còn lại hiện nay chỉ có thể bán được một lần duy nhất, nên tại bất cứ thời điểm nào, theo tôi, cần bán với mức giá cao nhất có thể. Việc này để thu về tài chính tối đa cho ngân sách, làm nguồn lực giải quyết các vấn đề xã hội mà bối cảnh hiện tại là tái thiết sau dịch.
Bất động sản lâu nay vẫn bị nhìn như loại hàng mang lại lợi nhuận từ những cú đầu cơ. Nhưng với quốc gia, nó cần được nhìn như một loại tài nguyên. Phát triển đô thị là bài toán tầm nhìn cần lên đến 50 năm hoặc hơn, không chỉ là chiến lược phát triển hạ tầng mà còn là bài toán sắp xếp tài nguyên và nguồn lực.